Copywriter Trong Thời Đại Số Và Những Điều Cần Lưu Ý
Trong một kỷ nguyên số với những thay đổi không ngừng nghỉ, thì chính thói quen sử dụng công nghệ của con người cũng đồng thời thay đổi chóng mặt. Đặc biệt là thói quen tiếp cận thông tin của người dùng, và nếu là một Marketer trong kỷ nguyên số, thì chắc chắn bạn sẽ không thể không quan tâm đến những thay đổi trong thói quen này của người dùng.
Từ việc xem tivi, nghe radio đến đọc sách báo để cập nhật tin tức trên thế giới, đã dần thay đổi thành thói quen sử dụng smartphone để theo dõi tin tức, tương tác với thế giới bên ngoài.
Và đối với ngành truyền thông và ngành quảng cáo nói chung, là một ngành luôn chuyển động, đòi hỏi những nhân tố trong đó phải không ngừng cập nhật những xu hướng mới mẻ. Thì hiển nhiên sẽ không thể bỏ qua việc tìm hiểu hành vi và thói quen tiếp cận thông tin của khách hàng đối tượng.
“Content is King.” – Bill Gates 1996
Câu nói “kim chỉ Nam” trứ danh dành cho những ai làm quảng cáo. Nội dung, dù trong bất cứ thời kỳ nào của ngành quảng cáo thì nó vẫn là vua.
Nhưng trong một thời đại mà mọi thứ được số hoá thì “vị vua” này cần khá nhiều cận thần để phò trợ lên ngôi và giữ vững ngai vàng. Ở đây, ta có thể hiểu những cận thần ấy là các đối tác đa dạng mà nhãn hàng phối hợp, mỗi bên sẽ đảm nhận một mảng, với kinh nghiệm và tầm nhìn riêng: Mạng xã hội, phân tích dữ liệu, chăm sóc khách hàng, tư vấn, sản xuất, PR,…
Để kết nối tất cả những mảng thiết yếu này thành câu chuyện hoàn chỉnh, chúng ta cần một đầu tàu có thể nghiên cứu và phối hợp cách thành quả nghiên cứu đó để hình thành một câu chuyện thống nhất, chặt chẽ.
Và trong bài viết lần này Tali nói đến một số những đặc điểm để những người làm quảng cáo nói chung, và những người làm nội dung – những người kể chuyện thương hiệu trong thời đại số cần lưu ý để có được một câu chuyện, một thông điệp hấp dẫn.
1. Lựa chọn nội dung phù hợp
Đầu tiên, bạn cần hiểu và biết rõ mình đang viết cho ai, họ thích gì, và “nỗi đau” (pain points) của họ ở đâu. Và tìm hiểu xem những điều ấy liên quan thế nào đến sản phẩm của bạn, bạn có thể dẫn dắt thế nào để họ cảm thấy việc sử dụng dịch vụ hay sản phẩm của bạn là một điều vô cùng hợp lý và thuyết phục.
Để làm được điều này, bạn phải đặt mình vào chính vị trí của người dùng, thấu hiểu được một ngày của họ diễn ra như thế nào, họ đam mê điều gì, băn khoăn điều chi, thì từ đó nội dung của bạn mới có thể chạm được trái tim của độc giả.
Đơn cử như khi bạn viết cho đối tượng là các “mẹ bỉm sữa” mà nói đến những chuyện khiến trăn trở cả đêm không ngủ được thì là sai pain point. Với các chị em có con nhỏ, thì chẳng có gì quý hơn một đêm ngon giấc trọn vẹn.
Mỗi đối tượng khách hàng sẽ có những sở thích, những mối quan tâm khác nhau, và cả nhu cầu về tinh thần cũng khác nhau, nên việc muốn tạo nên một bài viết ngắn có thể chạm đến tất cả mọi người là điều không thể. Kết quả của những bài viết hời hợt nhằm mong muốn chạm được nhiều đối tượng thường không được như mong đợi. Bởi khách hàng không thấy được mình trong loại bài viết kiểu ấy.
Mỗi bài viết, bạn chỉ nên hướng tới một đối tượng người tiêu dùng nhất định, và chỉ có sự thấu hiểu tinh tế mới có thể chinh phục được những tệp khách hàng đối tượng khó tính nhất, đấy là khi bạn phác hoạ được những pain point của họ trong bài viết.
2. Cài cắm những thông tin hữu ích
Hãy cố gắng đừng viết những điều mà ai cũng biết, hay những bài viết suông chỉ ca ngợi sản phẩm. Những bài viết kiểu ấy sẽ khiến cho nhãn hàng khó giữ chân người đọc.
Người đọc thường sẽ chỉ bị hấp dẫn bởi những thông tin thú vị, bổ ích và đó cũng là chìa khoá thành công của một Copywriter trong thời đại số. Khi độc giả của bạn có thể tìm thấy những thông tin bổ ích, có thể gỡ rối những trăn trở của họ trong bài viết của bạn, họ sẽ bị thu hút và dành tình cảm cho nhãn hàng của bạn nhiều hơn, từ đó tạo tiền đề cho sự gắn kết không thể tách rời trong tương lai.
3. Giải thích luôn tốt hơn liệt kê
Trong một thế giới ngập tràn thông tin, sản phẩm của bạn sẽ dễ dàng bị mất hút trong tâm trí của khách hàng. Chính vì thế việc liệt kê các tính năng, những ưu chất của dịch vụ hay sản phẩm của bạn sẽ dễ khiến tính cách thương hiệu, thông tin về nhãn hàng của bạn sẽ bị “loãng” nhanh chóng hơn.
Chính vì thế bạn chỉ nên tập trung vào giải thích cặn kẽ về sản phẩm/dịch vụ của mình. Khiến người đọc thực sự cần được thuyết phục về công dụng, mức độ cần thiết của sản phẩm/dịch vụ, đến mức họ sẽ cảm thấy “day dứt” vì đã không rút hầu bao chi trả cho chúng.
4. Cảm xúc quyết định hành động
Một bài viết thành công, là một bài viết gợi lên cảm xúc cho những người đọc. Khi người tiêu dùng đọc nội dung của bạn và cảm thấy dường như nó dành cho họ, thì hiển nhiên họ sẽ sẵn sàng mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ. Vì họ đã được dấy lên cảm xúc cá nhân, cảm thấy được thấu hiểu và dường như những sản phẩm/dịch vụ đó là dành cho họ.
Cảm xúc là gia vị, tuy ít ỏi nhưng bạn không thể phủ nhận rằng món ăn sẽ bớt ngon miệng nếu thiếu chút ít gia vị ấy. Thế nên, hãy cố gắng gia giảm các gia vị, tạo những cảm xúc chân thật, chạm vào trái tim của độc giả.
5. Thể hiện đúng “giọng” của nhãn hàng
Mỗi nhãn hàng sẽ có những đặc tính riêng, nên “giọng” của nhãn hàng đó cũng sẽ khác. Copywriter cần nắm bắt và “phát ngôn” đúng “giọng” của thương hiệu.
“Giọng” của nhãn hàng phải thể hiện được rõ đặc tính của ngành hàng, đảm bảo sự xuyên suốt. Một khi bạn đã xây dựng và gìn giữ được giọng nói riêng của thương hiệu, chắc chắn thương hiệu đến một thời điểm chín muồi sẽ tự tìm thấy được cộng đồng “tri âm” riêng của nó.
6. Nghĩ như khách hàng của mình
Hầu hết “người kể chuyện thương hiệu” thường có xu hướng kể về những mối quan tâm của chính thương hiệu, mà quên mất người tiêu dùng mới là đối tượng mà họ cần thấu hiểu và “kể” lên những trăn trở của chính đối tượng đó. Đây là điều thiếu sót vô cùng nguy hiểm trong công cuộc chinh phục khách hàng.
Khi lựa chọn bất cứ thông điệp nào để lan toả, một Copywriter không được quên đặt mình vào vị trí người tiêu dùng, không ngừng tự đặt câu hỏi rằng điều gì thật sự hấp dẫn người tiêu dùng nhất và điều gì mang đến cho họ giá trị nhất. Đừng chỉ chăm chăm vào việc phát ngôn cho nhãn hàng.
Khi copywriter toàn tâm toàn ý vì người tiêu dùng, nội dung sẽ đi thẳng vào lòng người đọc, làm họ tâm đắc và không thể không chi trả cho sản phẩm và dịch vụ.